Tác phẩm ‘Hiệu ứng điện áp’ của giáo sư kinh tế học John A.List thể hiện góc nhìn đa chiều về điều kiện cần và đủ để những ý tưởng nhỏ có thể bứt tốc phát triển ở quy mô rộng hơn.
“Hiệu ứng điện áp” bàn về tính khoa học của việc mở rộng quy mô: Vì sao một số ý tưởng thất bại trong khi các ý tưởng khác lại có thể thành công, làm thế nào để phát huy sáng kiến mới hiệu quả… Từ đó, tác giả rút ra kết luận rằng thành công hay thất bại không phải là “canh bạc” may rủi, mà luôn có những lý do xác đáng khi ta nhận ra vấn đề vào đúng thời điểm. Trong một số trường hợp, bạn có thể tìm được giải pháp để cân nhắc việc phát triển ý tưởng thành một cơ hội ở quy mô lớn hơn, hoặc có thể lập tức từ bỏ để bắt đầu phương án mới.
Ý tưởng bắt đầu từ “cơn đau” của người dùng
Câu hỏi quan trọng nhất đối với bất kỳ ai đang có ý định đặt cược tất cả vào ước mơ, kỳ vọng của mình là: “Tôi có thể phát triển ý tưởng của mình như thế nào, những thách thức và cơ hội khi tôi chuyển đổi quy mô kinh doanh từ nhỏ đến lớn sẽ là gì…”. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực kinh tế học, giáo sư John A. List đã đưa ra hàng loạt hướng dẫn cụ thể, giúp người đọc “gỡ rối” những ý tưởng chưa tốt và tận dụng tối đa cơ hội để phát huy những ý tưởng tuyệt vời.
“Hiệu ứng điện áp” có hai phần nội dung chính: Phần đầu vạch ra năm dấu hiệu quan trọng để bạn tự đánh giá tiềm năng của một ý tưởng trước khi mở rộng quy mô lớn. Phần thứ hai tập hợp những câu chuyện kinh doanh điển hình để gợi mở cho người đọc bốn giải pháp cơ bản để tối ưu, nhân rộng sáng kiến ra thực tế.
Thông qua đó, tác giả truyền tải thông điệp rằng mọi ý tưởng sáng tạo luôn có một mục tiêu tích cực, xuất phát từ sự hiểu biết, mong muốn thay đổi chất lượng tư duy của con người. Đó là động lực khiến chúng ta luôn muốn học hỏi, quan sát mọi thứ.
“Hiệu ứng điện áp” không chỉ dành cho những độc giả quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, mà còn hướng đến bất kỳ ai thích “vui chơi” cùng những ý tưởng mới. Tác giả cho rằng dù là nhà sáng lập, giám đốc điều hành, công nhân viên chức, nhà nghiên cứu, phụ huynh hay học sinh, sinh viên… thì mỗi chúng ta đều có thể viết ra “một bụng” ý tưởng mới, mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.
Với lối viết dễ hiểu, ngắn gọn, John A. List giúp người đọc hiểu thêm về những bài học kinh doanh thực tiễn, các từ khóa trong lĩnh vực kinh tế như: dữ liệu thông tin, chi phí cơ hội, kinh tế học hành vi, văn hóa làm việc nhóm, xu hướng thế kỷ 21… Bên cạnh đó, tác phẩm còn lí giải những quyết định kinh doanh quan trọng trên thực tế như việc Disneyland có ý tưởng nên hay không khi áp dụng thu phí vào cổng ở các khu vực trò chơi, hay câu chuyện đằng sau sự thành công của Instagram với hơn 1 tỷ người dùng…
Không chỉ phân tích các trường hợp thành công, “Hiệu ứng điện áp” còn mổ xẻ cả những thất bại trong quá trình biến một ý tưởng thành bước đột phá. Đó có thể là bài học từ đầu bếp, doanh nhân nổi tiếng Jamie Oliver khi chuỗi nhà hàng của ông phải đóng cửa, McDonald’s với cú thất bại đầy “sang chảnh” khi thử nghiệm món burger phức tạp có tên – Arch Deluxe, nội tình trong việc Travis Kalanick tuyên bố từ chức CEO Uber…
Mỗi câu chuyện thành công hay thất bại được đề cập trong sách đều hé lộ hình mẫu cho những điều kiện cần và đủ nhằm giúp người đọc biết khi nào là thời điểm thích hợp để ứng dụng một ý tưởng trên quy mô lớn hoặc chỉ dừng lại ở việc phát triển trong phạm vi nhỏ. Dựa trên những nghiên cứu về tâm lý học và kinh tế học hành vi, John A. List chỉ ra rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp ý tưởng thành công là bạn phải hiểu rõ đối tượng và “pain point” (điểm đau) của khách hàng. Dưới đây là một câu chuyện ví dụ từ trong sách “Hiệu ứng điện áp” để bạn dễ hình dung.
Vào năm 1965, giám đốc của một siêu thị Kmart ở Indiana (tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ) nảy ra sáng kiến cực kỳ thông minh. Trên kệ các mặt hàng khó bán, anh lắp đặt chiếc đèn nhấp nháy màu xanh, treo bảng giảm giá. Cùng lúc, nhân viên thu ngân phát loa thông báo: “Siêu thị Kmart thông tin đến quý khách hàng đang mua sắm: Áo khoác nam ở quầy trưng bày số 3, đang giảm 50%. Mua liền tay kẻo hết hàng!”. Mẹo bán hàng này nhanh chóng lan tỏa rộng rãi, chẳng bao lâu, các siêu thị Kmart trên toàn nước Mỹ đều bắt đầu chạy chương trình “Đèn xanh nhấp nháy đặc biệt” và đạt được những thành công về mặt doanh số. Sáng kiến quảng cáo này có thể được coi là hiện thân đầu tiên của hình thức mà ngày nay chúng ta gọi là “flash sale”.
Hay câu chuyện của Rafael Ilishayev và Yakir Gola – những người trẻ thích làm “cú đêm” vì có sở thích vừa chơi game, vừa tán gẫu thâu đêm. Vào những buổi tối khuya thời sinh viên năm hai, họ thường lê bước tới cửa hàng tạp hóa còn mở cửa gần nhất để mua đồ ăn khi đói bụng cồn cào, nhưng đôi lúc chẳng mua được gì. Việc này liên tục xảy ra khiến nhóm bạn nảy ra ý tưởng đơn giản: mở một cửa hàng tiện lợi có dịch vụ giao hàng tận nơi. Với một cái tên được đặt rất khéo là “Gopuff”, công ty của họ giống như một Amazon thu nhỏ dành cho những sinh viên thích ăn vặt. Điểm khác biệt là khách hàng sẽ được giao sản phẩm trong 30 phút. Chẳng lâu sau đó, Gopuff đã chiếm được một thị phần trong phân khúc ngách của ngành giao đồ ăn nhanh. Công ty mở rộng quy mô với khoảng 7000 nhân viên, doanh thu ước tính của họ là 250 triệu đô la (năm 2019).
Qua những ví dụ trên, tác giả cho rằng nguyên tắc căn bản nhất để thực hiện “cú hích” ý tưởng là: Hiểu rõ nhu cầu của khách hàng. Từ đó, John A. List kết luận rằng: “Để thành công trên sân khấu, người diễn viên phải hiểu rõ khán giả của mình. Những câu chuyện hài hước có thể khiến một nhóm khán giả cười không thể nhặt nổi mồm ở nơi này nhưng rất có thể tắt ngấm ở nơi khác. Tương tự, một ý tưởng có thể thành công với nhóm khách hàng này nhưng lại hoàn toàn thất bại trước một nhóm khác. Đây là yếu tố giúp bạn bắt đầu hiểu chính xác “cơn đau” của người dùng, rồi mới lần mò giải pháp để triển khai ý tưởng thành công trên quy mô lớn”.
Học cách gạn lọc và dám buông bỏ những ý tưởng “khó nuốt”
Trong “Hiệu ứng điện áp”, giáo sư John A.List dành hẳn một chương để chia sẻ về việc từ bỏ ước mơ hoặc lựa chọn chưa phù hợp để giành chiến thắng dài hạn. Tác giả lấy ví dụ thực tiễn từ chính câu chuyện chơi golf thời trung học của mình. Vào một mùa thu, cậu bạn John A. List về thăm nhà và có cơ hội đọ sức đánh golf với hai bậc đàn anh là Steve Stricker (ĐH Illinois) và Jerry Kelly (ĐH Hartford). Cả hai người họ đều có sự nghiệp lâu dài và thành công tại PGA Tour (một giải đấu quốc tế, quy mô lớn được tổ chức dành cho các Golfer chuyên nghiệp).
Sau khi cuộc so tài kết thúc, John A. List có điểm golf chênh lệch khá cao so với đối thủ đàn anh. Đêm hôm đó, cậu nằm thao thức và tự vấn bản thân, nhận thấy rằng mình chỉ chơi tốt khi là golf thủ sinh viên, còn khi thi đấu ở cấp độ chuyên nghiệp thì không thể. Vậy nên, cậu quyết định từ bỏ ước mơ. Tác giả thừa nhận rằng bước ngoặt ấy thực sự rất khó khăn. Bởi lẽ vào thời niên thiếu, gia đình John A.List thường hay lấy câu nói của Huấn luyện viên bóng chày huyền thoại Vince Lombardi để truyền cảm hứng cho ông: “Người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc. Người bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng”.
Khi từ bỏ ước mơ golf thủ chuyên nghiệp, John A. List đã chuyển hướng sang lĩnh vực mới là kinh tế. Năm 1992, ông tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Wisconsin (Mỹ), lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Stevens Point (Mỹ), nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Wyoming (Mỹ). Sau đó, tác giả nộp đơn đến 150 trường đại học để ứng tuyển vị trí giảng dạy cơ hữu, nhưng 149 trường đã từ chối. Tuy nhiên, John A. List vẫn tiếp tục kiên trì tham gia những hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học. Cuối cùng, ông thành danh với sự nghiệp giáo dục tại ngôi trường Đại học Central Florida (Mỹ).
John A. List là giáo sư ưu tú chuyên ngành kinh tế học của Kenneth C. Griffin thuộc Đại học Chicago.
Thông qua những trải nghiệm của mình, John A. List cho rằng khi bạn thử sức ở bất kỳ một lĩnh vực nào cũng đều sẽ gặp khó khăn, thử thách để rồi phải đấu tranh với những hoài nghi, mệt mỏi quẩn quanh trong tâm trí. Và cũng sẽ có lúc, dù đã mãi cố gắng nhưng bạn vẫn không thể đạt được mục tiêu. Nếu công việc lựa chọn không khơi dậy được chút hứng thú hay đam mê nào trong con người bạn, liệu đó có phải là lúc để buông bỏ mọi thứ? Tác giả cho rằng trong trường hợp như thế, điều tốt nhất bạn có thể làm là từ bỏ. Đó vốn không phải là việc dễ dàng, nhưng đôi khi bạn cần phải biết cách thả đi những kỳ vọng vượt quá tầm với của bản thân:
“Cuối cùng, dù bạn đang định chấm dứt việc kinh doanh hay một cuộc hôn nhân hoặc bất cứ điều gì khác, việc từ bỏ cần song hành cùng sự can đảm để có thể thực hiện một bước tiến lớn. Bài học ở đây là dù sự thay đổi có thể rất đáng sợ, nhưng một khi đã vượt qua, mọi người thường sẽ hạnh phúc hơn”.
Qua câu chuyện từ bỏ ước mơ của bản thân, khi bàn về tầm vĩ mô của việc doanh nghiệp từ bỏ một ý tưởng thiếu tính khả thi trong thực tiễn, John A. List cho rằng: Giải pháp từ bỏ tối ưu nên là một phần trong chiến lược khi mở rộng quy mô, chứ không phải là nút bấm hoảng loạn mà ta nhấn vào khi không còn lựa chọn nào khác. Reid Hoffman – một doanh nhân công nghệ, một nhà đầu tư kiêm tác giả sách người Mỹ – cho rằng: “Bạn có thể dễ dàng từ bỏ một sản phẩm thất bại; nhưng sẽ khó hơn nhiều khi từ bỏ một sản phẩm không có tiềm năng mở rộng quy mô vì đây là một quyết định có tính chiến lược”.
Ở những chương cuối, “Hiệu ứng điện áp” còn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát về văn hóa làm việc nhóm; cách trọng dụng nhân tài trong thời đại số; cách học hỏi, đánh giá và phân tích dữ liệu để nắm bắt những kiến thức mới trong mọi mặt đời sống xã hội. John A. List chia sẻ:
“Bạn và tôi sẽ trải qua những trở ngại và thất bại khi phát triển ý tưởng của mình. Tuy nhiên, chúng ta đang có một cơ hội thực thụ để học hỏi từ những bước đi sai lầm và dành nặng lượng để phát triển những chương trình tiềm năng mang tới sự thay đổi trong đời sống con người”.
Dù “Hiệu ứng điện áp” là sách kinh tế có tiêu đề mang tính vật lý học, thế nhưng John A. List đã chọn góc nhìn dễ hiểu để kiến giải vấn đề theo hướng phù hợp với mọi đối tượng độc giả: những người thất bại trong việc kinh doanh, vừa mới nghỉ việc hoặc đang trong giai đoạn gap year, dù là bất cứ ai cũng đều sẽ có thêm nhiều góc nhìn để soi chiếu, chia sẻ.
“Hiệu ứng điện áp” sẽ giúp những ý tưởng tuyệt vời của độc giả có giải pháp bứt tốc phát triển ở quy mô bền vững. Trong sách, John A. List trích lại lời Thomas Edison từng nói rằng: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách nhưng chưa thành công”. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng có một điều chắc chắn là nếu Edison từ bỏ sau 5, 10 hoặc 100 lần thất bại, chúng ta đã không thể sống trong kỷ nguyên của bóng đèn điện như ngày nay. Vì vậy, bạn cần phải nhớ rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải đối mặt với sự từ chối, thất bại và học cách cố gắng để tìm hướng đi mới cho riêng mình. Điều quan trọng là trước khi mở rộng quy mô doanh nghiệp, hay dự án thì bạn cần phải mở rộng tư duy của chính mình. Ý tưởng tốt luôn phải bắt nguồn từ mục đích tốt. Đó là cách duy nhất để trường tồn với thời gian.
Về tác giả
John A. List là giáo sư ưu tú chuyên ngành kinh tế học của Kenneth C. Griffin thuộc Đại học Chicago. Ông từng phục vụ trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Hoa Kỳ và nhận được nhiều giải thưởng cùng danh hiệu cao quý, trong đó có giải thưởng John Kenneth Galbraith. Ngoài ra ông còn là đồng tác giả, cùng với Uri Gneezy, cuốn sách bán chạy trên toàn cầu – The Why Axis.