MC Hồng Phúc đưa diễn viên Tiêu Minh Phụng khám phá nghề làm diều lâu năm ở ngay trung tâm TP.HCM.
Mở đầu “Bách nghệ kỳ thú” tuần này, MC Hồng Phúc và diễn viên Tiêu Minh Phụng tìm đến ngôi nhà nhỏ ở đường Trần Đình Xu, quận 1, TP.HCM để gặp gỡ chú Nguyễn Thanh Vân, Chủ nhiệm CLB Diều Phượng Hoàng (TPHCM) và học cách làm diều. Khách mời Tiêu Minh Phụng không giấu được sự háo hức khi được tìm hiểu về một nghề độc đáo liên quan đến ký ức tuổi thơ của rất nhiều người này.
Tuần này, MC Hồng Phúc sẽ là người làm nhiệm vụ kết nối, dẫn dắt và đưa khách mời là diễn viên Tiêu Minh Phụng tham gia hành trình tìm hiểu làng nghề tại TP.HCM.
Gặp gỡ chú Nguyễn Thanh Vân, hai nghệ sĩ biết đây chú là một nghệ nhân có hơn 50 năm gắn bó với những cánh diều tuổi thơ. Chú Thanh Vân giới thiệu cho các nghệ sĩ từ những cánh diều tuổi thơ truyền thống làm bằng giấy đến những cánh diều nghệ thuật, mẫu mã đa dạng được chính tay nam nghệ nhân tạo ra.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân đến với nghệ thuật chơi diều cách đây hơn 50 năm. Ông kể: “Tôi mê diều từ hồi còn nhỏ xíu. Lúc đó không biết làm diều cũng đi nhờ các anh em trong xóm chỉ làm. Và học xong về nhà là tôi lại làm diều để thả trong xóm. Lớn lên, khi trở thành thợ điện, tôi vẫn không quên thú vui thả diều”. Để thỏa mãn niềm đam mê của mình, ông bắt đầu mày mò làm ra những con diều có kích thước lớn với hình dáng khác nhau. Điều khiến Hồng Phúc và Tiêu Minh Phụng bất ngờ hơn hết là được cầm tận tay những con diều cổ có tuổi đời vài chục năm. Những cánh diều hình chim 3D, hình bướm, diều khổng lồ cũng tạo nên sự thích thú cho các nghệ sĩ.
Gặp gỡ chú Nguyễn Thanh Vân, hai nghệ sĩ biết đây chú là một nghệ nhân có hơn 50 năm gắn bó với những cánh diều tuổi thơ.
Hơn 50 năm làm diều đã cho nghệ nhân Thanh Vân nhiều kinh nghiệm. Chú tận tình giải thích cho hai nghệ sĩ về các bộ phận của diều, hướng dẫn cách chọn nguyên liệu và các công đoạn chi tiết nhất có thể. “Muốn diều bay cao phải áp dụng nguyên tắc gió vào, gió ra. Diều phải cản được sức gió, đồng thời cũng lợi dụng được sức gió để đẩy cánh diều lên”, chú Thanh Vân nói.
Nghệ nhân Thanh Vân đã lập nhiều thành tích đáng nể đối với bộ môn nghệ thuật dân gian diều. Một trong số đó là con diều rồng dài 100m được nam nghệ nhân trình diễn tại Festival biển Vũng Tàu tổ chức năm 2006 đã xác lập kỷ lục do tổ chức Vietbook trao. Không chỉ tham gia hầu hết các buổi giao lưu, biểu diễn diều cùng các câu lạc bộ, đội nhóm trong cả nước, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân còn mang diều gia nhập các sân chơi quốc tế.
Chú tận tình giải thích cho hai nghệ sĩ về các bộ phận của diều, hướng dẫn cách chọn nguyên liệu và các công đoạn chi tiết nhất có thể.
Tại Festival diều nghệ thuật quốc tế diễn ra ở Trung Quốc năm 2009, con diều sáo sải cánh 4m, dài 3m đã mang về cho ông giải bạc. Tại Festival diều nghệ thuật quốc tế năm 2010 tổ chức tại Ấn Độ, con diều hình chim phượng hoàng (sải cánh 6m, dài 12m) của chú đã đoạt giải nhất… Với loạt thành tích đáng nể trên, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân được mệnh danh là “vua diều” ở TPHCM. Tại nhà chú, Hồng Phúc và Tiêu Minh Phụng thán phục bởi rất nhiều tác phẩm diều đoạt giải qua các hội thi, liên hoan diều nghệ thuật. Trên tường, cạnh bằng khen vừa nhận, còn thấy hàng loạt giấy khen, giấy xác nhận kỷ lục trong nước và quốc tế.
Hiện nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân đã có hơn 300 mẫu diều khác nhau, trong đó không ít những mẫu lấy cảm hứng từ cuộc sống, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc như: Lăng Bác Hồ, chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng, chùa Một Cột, tháp Rùa, cột cờ Hà Nội…
Bên cạnh đó, tình yêu với cánh diều của nghệ nhân Thanh Vân còn thể hiện ở việc chú lấy tiền túi để làm diều tặng các em học sinh. Nghệ nhân nói: “Tôi đã lớn tuổi, con cái đã trưởng thành ở riêng nên chi tiêu không bao nhiêu, các vật liệu làm diều không tốn bao nhiêu tiền nên không tốn kém. Thay vì chơi game thì tôi muốn tuổi thơ của các cháu học sinh có cơ hội gần gũi với những cánh diều truyền thống này hơn”. Gặp lúc chú đang làm diều tặng học sinh, Tiêu Minh Phụng được học cách làm diều và tự tay tạo ra một cánh diều giấy truyền thống, khiến nam diễn viên bồi hồi không ít khi nhớ về tuổi thơ bên cánh diều của mình.
“Bách nghệ kỳ thú” vào lúc 19h30 thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7.