‘Câu chuyện cuộc sống’ tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống như giúp con học tại nhà hiệu quả, dạy con tình yêu lao động và nỗi lo khi bắt đầu công việc mới.
Dạy con tình yêu lao động
Sự tự lập rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người, và muốn tự lập tốt, ngoài điều kiện về sức khỏe, trí tuệ, tài chính thì tinh thần lao động là một yếu tố không thể thiếu, đó cũng là điều mà các bậc cha mẹ nên dạy cho con từ nhỏ. Để giúp con có tình yêu lao động, phụ huynh nên có những cách riêng để dạy con làm quen với từng công việc nhỏ, với tinh thần yêu thích, tự nguyện. Theo đó, ba mẹ cần phân chia công việc phù hợp theo từng lứa tuổi của con, cũng như nắm bắt tâm lý và kiên nhẫn hướng dẫn con làm các công việc theo cách phù hợp nhất.
Anh Đặng Văn Bạo hiện đang sống tại TP.HCM thường nhờ con lau nhà để phụ giúp mẹ, mỗi lần hoàn thành anh sẽ khích lệ cho con phần thưởng trị giá 10 nghìn đồng xem như tiền thù lao, mỗi lần như thế con sẽ cho vào heo đất để có một khoản tiết kiệm cho riêng mình.
Dạy con tình yêu lao động
Thạc sĩ Trần Nam (Chuyên gia Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết:“Việc hướng dẫn để con có tình yêu đối với lao động thì ba mẹ phải là những người lao động nghiêm túc và khoa học, để làm tấm gương cho các con noi theo. Việc cảm nhận và hiểu được vai trò của sức lao động tác động rất lớn đến hành trình tìm hiểu và phát triển bản thân, từ đó biết cách quản lý được gia đình của các con sau này, từ đó giới trẻ sẽ biết cách hưởng thụ cuộc sống, biết quản lý tài chính, sắp xếp thời gian cũng như cân đối nguồn lực xung quanh”.
Giúp con học tại nhà hiệu quả
Đối với mọi đứa trẻ, khi đang ở tuổi cắp sách đến trường thì việc học không chỉ dừng lại ở trên lớp, ở nhiều gia đình, ba mẹ cũng thường dành thời gian cho con để dạy học, ôn tập thêm cho con tại nhà. Tuy nhiên, thay vì đồng hành và tạo cho con không gian học tập thoải mái nhất, thì nhiều phụ huynh lại thường ép con ngồi vào bàn học. Điều này vô tình khiến cho con cảm thấy không yêu thích việc học ở nhà, dần dần việc ngồi vào bàn học tại nhà đối với trẻ nhỏ trở nên khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi ở trường trẻ được học với bạn bè thầy cô, được tương tác qua lại với nhiều hình thức khác nhau, như làm bài tập nhóm, hỏi đáp với giáo viên hay chơi trò chơi kiến thức. Tuy nhiên khi trẻ học tại nhà, đa số các em chỉ ngồi học một mình với không gian quen thuộc, không được tương tác giống như không gian ở trường lớp, làm cho việc học trở nên khó khăn và nhàm chán.
Giúp con học tại nhà hiệu quả
Hiểu được điều này, gia đình chị Ngô Ngọc Linh luôn cố gắng tạo ra nhiều phương pháp khác nhau như không ép con học một mình, để con tự lựa chọn thời gian học mà con mong muốn. Một trong những cách để trẻ hứng thú khi học tại nhà, đó là phụ huynh cần kết nối nội dung học tập với thực tế và sở thích cá nhân của trẻ.
Về việc xây dựng một không gian học tập khiến trẻ trở nên thoải mái mỗi khi ngồi vào bàn học, thầy Nguyễn Thanh Toàn (Thuộc Trường Quốc tế eSchool) cho biết: “Trẻ cần có một góc học tập thoải mái, đầy đủ ánh sáng và trang trí đẹp một chút, phụ huynh có thể lựa chọn không gian mở, thêm một số cây xanh để kích thích sự sáng tạo của con, ba mẹ nên cho trẻ có những trải nghiệm thực tế như một số chủ đề bài học về thiên nhiên, việc đồng hành song song giữa giáo viên và phụ huynh trong việc học tập của trẻ chắc chắn khiến cho việc học trở nên tốt hơn rất nhiều”.
Nỗi lo khi bắt đầu công việc mới
Chị Trần Thị Thúy An (ngụ Quận 2, TP.HCM) cảm thấy choáng ngợp khi chỉ vừa đi làm ngày đầu tiên đã phải tiếp nhận và ghi nhớ quá nhiều thông tin, chưa kể đến việc ngại ngùng của người mới, Thúy An không thể hòa nhập với môi trường chung của công ty. “Ban đầu tôi nghĩ cứ làm dần dần rồi cũng quen việc và hòa nhập với mọi người, cho đến khi thực sự bắt đầu thì mọi thứ không như tôi nghĩ, cả ngày làm việc tôi chỉ trò chuyện vài câu chào hỏi xã giao với đồng nghiệp”, Thúy An nói.
Khảo sát trên một nền tảng tuyển dụng cho thấy, 30% nhân viên muốn bỏ việc sau 3 tháng được tuyển, 43% trong số đó không hài lòng khi vị trí công việc không giống như kỳ vọng, 34% gặp khó khăn, vướng mắc trong công việc và 32% cho rằng văn hóa công ty không còn phù hợp.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân (Chuyên gia tâm lý), có 3 dấu hiệu thường biểu hiện ở một người bị stress khi bắt đầu một công việc mới. Thứ nhất là biểu hiện về mặt tâm lý, họ thường có tâm trạng u uất, lo lắng kéo dài, tiếp theo là biểu hiện về mặt sinh lý có thể xảy ra như trạng thái mất ngủ, ăn uống thất thường…Cuối cùng là biểu hiện về mặt hành vi, họ dễ cáu gắt hay dễ rơi vào những xung đột không đáng có với những người xung quanh.
Nỗi lo khi bắt đầu công việc mới
Về lời khuyên dành cho người lao động khi bắt đầu một công việc mới, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân nói: “Hãy tìm hiểu thật kỹ về công việc mới mà chúng ta sắp bắt đầu tham gia, những công việc cụ thể mà chúng ta sắp làm, đặc biệt phải hiểu năng lực của bản thân, xác định chính xác năng lực nội tại của bản thân góp phần lớn để tìm được công việc thích hợp nhất mà bản thân mong muốn”.
Lo lắng là tâm lý chung của bất cứ nhân viên mới nào, tuy vậy, đặt trường hợp có bất lợi, chúng ta vẫn phải đối mặt và giải quyết. Nỗi lo lắng không khiến cho những khó khăn, thử thách tan biến, thay vì đặt tâm trí vào những lo lắng không thể thay đổi được, nhân viên mới nên tập trung chuẩn bị, lên kế hoạch cho những việc mình nên làm, để từng bước tạo vị trí vững chắc cho bản thân.
“Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.