Giải trí Hậu trường

‘Mình nói chuyện Mình’ làm khán giả có cái nhìn khác về kịch thể nghiệm

”Mình nói chuyện Mình” vừa được trình diễn tại sân khấu thực nghiệm của Trường Múa TP.HCM. Vở diễn kéo dài hơn 2 tiếng với diễn xuất của NSND Kim Xuân, Đoàn Khoa, Hồng Ánh, Quang Thảo và Huỳnh Ly.

Mình nói chuyện Mình chỉ có năm nhân vật. Mà chẳng có nhân vật nào có tên, người ta chỉ nương theo câu chuyện rồi gọi tên nhân vật một cách đại khái. NSND Kim Xuân là Người đàn bà hồi xuân. Diễn viên Hồng Ánh là Người đam mê vật chất nhưng lại rối ren chuyện đời tư. Quang Thảo là một doanh nhân thành công, nhưng phía sau lại mang nhiều bí mật chưa được giải tỏa. Và cuối cùng, diễn viên trẻ Huỳnh Ly vào vai một nữ YouTuber mê livestream.

Đặc biệt, trong vai trò đạo diễn, biên kịch cũng như tham gia diễn xuất trong “Mình nói chuyện Mình” là Đoàn Khoa. Lần đầu thử thách mình ở vai trò diễn viên, với vai diễn đặc biệt là “Cây đèn đường”.

Đạo diễn – diễn viên Đoàn Khoa

Sẽ có rất nhiều nghi hoặc cho những phút đầu tiên của khi “Mình nói chuyện Mình” được trình diễn. “Cây đèn đường” tưởng chừng không liên quan lại trở thành điểm kết nối, di chuyển đến từng nhân vật để khán giả có thể nghe họ nói về chuyện của mình. Và từ đó, “chuyện mình” dần dần được bóc tách. Các nhân vật nói “chuyện mình” nhưng hóa ra cũng là nói chuyện thiên hạ, vì đâu đó, người xem đã ít nhiều bắt gặp hình ảnh đó trong xã hội này.

Nhưng rồi một trận thiên tai và nhân tai xảy đến, đẩy tất cả đứng trước bờ vực sinh tử. Giờ đây họ mới nhìn lại bản thân rồi chợt tỉnh.

Xuyên suốt vở kịch thể nghiệm “Mình nói chuyện mình” là những đoạn tự thoại và “không thoại” của các nhân vật, kết hợp cùng ánh sáng và những thủ pháp hình ảnh và âm thanh “nhà hát” giúp đẩy cảm xúc khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đạo diễn Đoàn Khoa cho rằng: “Tôi thích thể hiện cái bên trong, thứ khuất lấp của một con người nên có ý tưởng dàn dựng vở này. Đơn cử như khi vừa mở cửa trở lại sau đại dịch, mọi người rất rộng lượng, yêu thương nhau nhưng khi cuộc sống trở lại bình thường thì con người lại bộc lộ tính tham sân si như trước”.

“Khi dựng vở kịch này, tôi sẽ không quá đặt nặng đến yếu tố khán giả. Vì chúng tôi không biết khán giả là ai, ai sẽ coi, nên nếu cứ chăm bẳm vào điều này, thì chúng tôi khó có thể truyền tải tối đa ý tưởng của mình. Tôi nghĩ việc đi đến tận cùng ý tưởng rất quan trọng, như cái lọ hoa nó có ý nghĩa gì, cái hộp nhạc có ý nghĩa gì?… Điều tôi cần làm là sắp xếp tất cả những vật dụng, các chi tiết… hợp lý trước đã. Hơn nữa, đã là thể nghiệm, hay có thể nói là thí nghiệm, thì có thể đúng hoặc sai. Và là nghệ sĩ, thì tôi phải làm điều gì đó cho cái nghề của mình trước, tôi phải thực sự thấy ”đã” trước”, Đạo diễn Đoàn Khoa nói thêm.

NSND Kim Xuân chia sẻ, khi xem cách đạo diễn Đoàn Khoa diễn, bà được truyền lại sự yêu nghề và khơi lại cách chơi nghề. Tài năng, sáng tạo và biết lắng nghe là những nhận xét của bà về nghệ sĩ Đoàn Khoa trong lần đầu làm diễn viên.

NSND Kim Xuân

“Đoàn Khoa không phải giỏi như xưa mà còn giỏi hơn xưa nữa. Bởi vậy, dù tập vở rất cực nhưng ai cũng thấy sung sướng vì được làm những điều mới mẻ, tất cả sự cộng hưởng ấy tạo cho chúng tôi sự bùng nổ như pháo hoa trong vở diễn”, Kim Xuân chia sẻ về đạo diễn Đoàn Khoa.

Ngoài vai trò diễn viên, Hồng Ánh còn nhận trọng trách là nhà sản xuất của tác phẩm “Mình nói chuyện Mình”. Nữ nghệ sĩ thừa nhận, cô áp lực với vai trò này nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mong muốn mang đến cho khán giả thêm lựa chọn thưởng thức nghệ thuật.

Hồng Ánh thừa nhận áp lực khi vừa đảm nhận vai trò diễn viên và nhà sản xuất của tác phẩm “Mình nói chuyện Mình”.

Khi hỏi về khả năng hoàn vốn khi thể loại kịch này sẽ kén khán giả, Hồng Ánh cho biết, hiện tại ê-kíp vẫn chưa có được sân khấu quy mô để có thể bán được lượng vé nhiều hơn. Cộng thêm, các diễn viên cũng không thể diễn nhiều suất một ngày nên dù nỗ lực bán vé nhưng thời gian đầu sẽ khó hoàn vốn. ”Chúng tôi khá tiếc vì chỗ ngồi sân khấu hạn chế – hơn 160 ghế. Dù khán giả lấp đầy mỗi suất, vở vẫn khó hòa vốn”, nữ nghệ sĩ nói.

Êkíp nghĩ đến trường hợp tăng suất để sớm lấy lại kinh phí, tuy nhiên một ngày các nghệ sĩ chỉ đóng được khoảng hai, ba suất vì sức lực có hạn.

Hồng Ánh còn cho biết thêm, với tác phẩm này, cô sẽ dàn dựng nhiều dạng quy mô khác nhau để phù hợp với nhiều yếu tố ngoại cảnh. Nữ nghệ sĩ đang muốn thăm dò thị hiếu khán giả và khả năng bán vé. Nhờ lối dựng tối giản về bối cảnh, mỹ thuật, vở kịch có thể được trình diễn trong nhiều không gian. Êkíp dự kiến đưa kịch vào các trường cao đẳng, đại học, diễn cho sinh viên với mức giá ưu đãi.