Phim ảnh

Công thức làm nên bộ phim ‘trăm tỉ’ của điện ảnh Việt

Trở lại sau mùa dịch Covid-19 dài hơi, các rạp chiếu phim Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục hoàn toàn. Trải qua mùa Noel, Tết nguyên đán và sắp tới là Valentine, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ đại diện nào tiến vào “câu lạc bộ 100 tỉ đồng”. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

“Lật mặt 5” của Lý Hải đạt hơn 100 tỉ đồng dù 3 lần dời ngày chiếu vì dịch Covid-19

Kịch bản hay đã đủ?

Mấu chốt làm nên một bộ phim hay đương nhiên phải nói đến khâu kịch bản trước tiên, vì yếu tố này chiếm đến 80% sự thành bại của cả tác phẩm. Tuy nhiên, không phải nội dung phim hay hoặc xuất sắc thì sẽ ăn khách. Quan điểm này có lẽ chỉ hợp với phim tranh giải. Còn đối với dự án chủ yếu nhắm đến yếu tố thương mại, thì kịch bản hợp thời và tạo “trend” mới là yếu tố quyết định lớn.

“Cặp đôi trăm tỉ” Kiều Minh Tuấn và Kaity Nguyễn
Đức Thịnh và Charlie Nguyễn là những nhà làm phim có tính nhạy bén với thị trường

Điển hình là “Tiệc trăng máu” – remake từ một bản gốc đã quá nổi tiếng và được nhiều người biết đến, nhưng đứa con tinh thần của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn đạt 175 tỉ đồng nhờ biết “đánh” vào câu chuyện về sự phụ thuộc của con người hiện nay với điện thoại thông minh. Tác phẩm có những “drama” gây hóng hớt cực mạnh như chat sex, ngoại tình, đời sống vợ chồng “đồng sàng dị mộng”… Do đó, dù tổng thể nội dung tác phẩm không còn quá mới mẻ so với dân mê điện ảnh, nhưng “Tiệc trăng máu” vẫn hút người xem vì các chi tiết rất đời thường.

Dàn sao chất ngất của “Tiệc trăng máu”

Hay như “Bố già” với kịch bản về tình thân gia đình gần gũi và các cảnh quay chân thật, đã lập kỷ lục khủng với 400 tỉ đồng doanh thu. Phim thu hút mọi thành phần khán giả Việt Nam nhờ nội dung quá như những câu chuyện diễn ra xung quanh mỗi người, nhưng được chuyển hoá sống động qua ngôn ngữ điện ảnh tinh tế.

Còn minh chứng rõ ràng nhất của việc kịch bản hot và có nhiều sạn nhưng vẫn “ăn nên làm ra” là “Để mai tính 2” (hay còn gọi “Để Hội tính”) chiếu hồi năm 2014. Nội dung đứa con tinh thần của đạo diễn Charlie Nguyễn hứng “gạch đá” kịch liệt vì thiếu sáng tạo, nhảm nhí, rập khuôn… song vẫn “cá kiếm” được hơn hơn 101 tỉ đồng vì yếu tố hài hước và xoay quanh chuyện tình cảm của giới LGBT – một đề tài chưa có nhiều phim Việt khai thác lúc bấy giờ.

3 năm sau “Để mai tính 2”, Charlie Nguyễn giờ đã lên chức nhà sản xuất và cho ra đời “Em chưa 18” với dạng kịch bản cũng mang tính chất giải trí là chủ yếu. Câu chuyện tình giữa một ông chú U30 cùng cô bé chưa đến tuổi trưởng thành ăn điểm nhờ sự mới mẻ và ăn tiền 171 tỉ đồng nhờ hợp thị hiếu khán giả vào thời điểm đó. Loạt câu thoại trong tác phẩm như: “Có những đứa không phải là nắng mà cứ thích chói chang!”, “Cần một người đàn ông biết làm bạn trai chứ không cần một thằng con trai tập làm đàn ông!”, “Yêu là chấp nhận và tự cho người khác cái quyền được làm mình tổn thương”… từng gây sốt trên mạng xã hội một thời.

Những con người đứng trước và đứng sau ống kính

Để xây nên thành quả bộ phim xuất sắc thì phải có đội ngũ nhân lực có tâm và có tầm. Trình độ chuyên môn của những người đứng sau các bộ phim trăm tỉ có thể cần phải xem xét, nhưng độ nhạy bén của họ với thị trường thì phải cực đỉnh.

Trong top 15 phim điện ảnh Viêt Nam có doanh thu khủng nhất, dễ dàng phát hiện được nhiều đội ngũ quen thuộc như ê-kíp Charlie Nguyễn (“Để mai tính 2”, “Em chưa 18”, “Chàng vợ của em”), ê-kíp Đức Thịnh (“Trạng Quỳnh”, “Siêu sao siêu ngố”), ê-kíp Nguyễn Quang Dũng (“Tháng năm rực rỡ”, “Tiệc trăng máu”), ê-kíp Lý Hải (“Lật mặt” 3, 4), ê-kíp Victor Vũ (“Quả tim máu”, “Mắt Biếc”)… Điều này phần nào cho thấy các đoàn làm phim trên có khả năng nắm bắt xu hướng rất nhanh dù nội dung phim chưa chắc đã thuộc hạng xuất sắc.

“Mắt Biếc” thành công lớn nhờ dàn diễn viên hợp vai và giống với miêu tả nguyên tác

Tuy nhiên, để nắm chắc trăm tỉ thì “mặt tiền” phim cũng phải thuộc hàng có sắc có tài hoặc có fan. Nói không ngoa khi khẳng định hơn 130 tỉ đồng mà “Tiệc trăng máu” thu về có sự cộng hưởng không nhỏ từ dàn sao hàng A+ của showbiz Việt: Thái Hòa, Đức Thịnh, Hồng Ánh, Thu Trang, Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn và Kaity Nguyễn: người có tài năng, người thì tiếng tăm vang xa và người thì sở hữu lượng fan lớn để cùng dắt nhau với phim leo lên trăm tỉ đồng.

Hay như “Siêu sao siêu ngố” bị chê quá cũ kỹ, kém hay… mà lại đạt được 109 tỉ đồng chẳng phải nhờ sức hút lớn của Trường Giang? Thời điểm tác phẩm ra mắt vào Tết năm 2018 cũng là lúc Trường Giang đang rất hot, lượng người hâm mộ đổ xô đi xem phim anh đóng cũng nhiều vô số. Tranh cãi cầu hôn Nhã Phương tại Mai Vàng 2018 lại càng khiến người xem muốn đi ra rạp để coi phim, để có cái cớ để tiếp tục ác cảm nam danh hài. Kết quả là ai chê cứ chê, ai mắng cứ mắng, “Siêu sao siêu ngố” là phim Tết thắng nhất năm 2018.

“Siêu sao siêu ngố” ăn khách bất chấp chỉ trích

Đến “Mắt Biếc”, chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh. Ngoại hình như bước ra từ trang sách của các diễn viên Trần Nghĩa, Trúc Anh, Khánh Vân… làm khán giả không thể không đến rạp thưởng thức bộ phim, để rồi tác phẩm cuối cùng “hốt bạc” 180 triệu đồng hồi năm 2019.

Thiên thời địa lợi nhân hòa

Sự may mắn không phải là điều tất yếu để một bộ phim đạt 100 tỉ đồng, nhưng may mắn lại chính là yếu tố rất quan trọng để giúp một tác phẩm vươn đến con số đó. Nói dễ hiểu thì “thiên thời địa lợi nhân hòa” chính là “chất xúc tác” lớn để cho ra được sự thành công lớn về mặt doanh thu. Yếu tố may mắn thường thể hiện qua thời gian phim chiếu. Song, chẳng phải tác phẩm nào cứ ra rạp dịp lễ 30/4 hay 1/5, Noel hay Tết… thì thường “ăn chắc”. Giống như “Bố già” ra mắt vào trung tuần tháng 3.2021, không có bất kỳ ngày nghỉ lễ nào nhưng vẫn thắng đậm.

“Bố già” viết nên lịch sử nền điện ảnh Việt Nam nhờ kịch bản về tình gia đình ấm áp, phù hợp với đại đa số người xem

Đáng tiếc, hậu Covid-19, thói quen khán giả đã bị thay đổi nghiêm trọng vì những nền tảng ứng dụng giải trí online với hàng loạt dự án quốc tế đình đám làm chao đảo mạng xã hội. Người xem dần “lười” ra rạp cũng như quên mất các sản phẩm nội địa. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh kéo dài vừa qua đã khiến kinh tế nhiều người xem giảm sút, việc bỏ tiền để xem phim cũng không còn là ưu tiên của họ như trước. Kết quả, phim được xem là bom tấn mùa Tết như “Chìa khoá trăm tỉ” chỉ mới khoảng 60 tỉ đồng (tính đến tối 13/2) dù được đánh giá rất cao, các phim Tết 2022 còn lại như “1990” hay “Nhà không bán” chưa đến mức 30 tỉ đồng và “Mưu kế thượng lưu” ở mức thảm hoạ cùng vỏn vẹn hơn 1 tỉ đồng. Đây là những con số chưa bao giờ xảy ra trong các mùa phim Tết trong vòng 5 năm trở lại đây (ngoài năm 2021 rạp đóng cửa vì dịch Covid-19).

“Chìa khoá trăm tỷ” không càn quét được 100 tỉ trong mùa Tết năm nay

Đáng chú ý, mùa Valentine năm nay lại khá “ăn nên làm ra” cùng “Chuyện ma gần nhà” và “Bẫy ngọt ngào”. Chỉ trong 3 ngày công chiếu, “Chuyện ma gần nhà” khai thác đề tài kinh dị “có ma thật” đã đạt hơn 41 tỉ đồng, còn “Bẫy ngọt ngào” với cốt truyện về tình yêu – tình bạn và có cảnh nóng bỏng cũng xấp xỉ 15 tỉ đồng. Cả hai là minh chứng cho thấy phim có nội dung độc đáo, mới lạ, phá cách vẫn có thể hút khán giả dù tâm lý e ngại mùa dịch vẫn còn và ê kíp không quá lão luyện.

“Bẫy ngọt ngào” gây sốc với các cảnh nóng cùng tình tiết xoay quanh tình yêu, tình bạn, nạn bạo hành gia đình
“Chuyện ma gần nhà” đang là phim ăn nên làm ra vượt ngoài kỳ vọng

Có thể nói, dịch Covid-19 trở thành bước ngoặt lớn của làng điện ảnh Việt Nam. Khán giả dần khó tính hơn và suy nghĩ kỹ hơn trước khi bỏ tiền mua vé. Yếu tố về kịch bản nội dung cùng dàn diễn viên biết diễn nay trở thành mối ưu tiên hàng đầu. Và dù công thức làm phim 100 tỉ đồng khó còn áp dụng sau dịch, nhưng vẫn là tiền đề để tạo nên một tác phẩm màn ảnh rộng gây chú ý.

Theo Tạ Doãn/DDVN