Showbiz Việt Nam bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau khi trải qua gần 6 tháng “tạm nghỉ” vì dịch Covid-19. Riêng làng phim chiếu mạng (web drama) Việt Nam có những bước “nhập cuộc” đầy hứng khởi kể từ tháng 10, 11 năm nay.
Ồ ạt phát sóng sau khi nới lỏng giãn cách
Trong vòng tháng 5 đến 9/2021, do dịch bệnh căng thẳng, showbiz Việt Nam nói chung và giới làm phim nói riêng đều rơi vào trạng thái trầm lắng nghiêm trọng. Dù vậy, đây cũng được xem cũng là quãng thời gian dài hiếm hoi để nhiều nhà làm phim lẫn nghệ sĩ Việt “thai nghén” nên những đứa con tinh thần mới để phục vụ người xem.
Bắt đầu từ giữa tháng 10 đầu tháng 11/2021, khi dịch Covid-19 đã dần có dấu hiệu suy giảm tại Việt Nam, giới làm phim Việt quyết định vừa khởi quay vừa ra mắt các tác phẩm của mình trên mạng. Khoảng 1 tháng trở lại đây, hàng loạt phim chiếu mạng Việt Nam liên tục phát sóng như “Công chúa bến xe” của Jang Mi, “Trời ơi! Tức muốn chết” của Hồng Vân, “Gia đình bá đạo” của Thu Trang và Tiến Luật…
“Trời ơi! Tức muốn chết” của Hồng Vân mang đến những câu chuyện gần gũi và bình dị
Trước đó, “Gia đình cục súc” của Võ Tấn Phát cũng gây sốt trên mạng 3 – 4 tháng trời. Còn gần đây nhất “Trừ yêu đại sư huynh” của Hoài Tâm và “Dịch vụ zụ zịt” của Nam Thư cũng gia nhập “cuộc đua” web drama Việt Nam trong 2 tháng cuối năm 2021.
Minh Dự được yêu mến trong “Gia đình cục súc” của Võ Tấn Phát
Việc nghệ sĩ Việt Nam đem phim lên mạng được xem là giải pháp tối ưu trong bối cảnh rạp phim vẫn còn đóng cửa và nhiều người vẫn đang làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, yếu tố xem miễn phí cũng là điều giúp web drama Việt chiếm ưu thế hơn bởi điều kiện kinh tế của phần lớn khán giả vẫn còn đang eo hẹp do giá cả tiêu dùng tăng cao hiện tại.
Ngoài ra, các sao Việt cũng hi vọng web drama của mình như một món ăn tinh thần cổ vũ mọi người lấy lại trạng thái tinh thần cân bằng qua một mùa dịch quá đau thương. Nữ ca sĩ kiêm diễn viên Jang Mi chia sẻ: ““Công chúa bến xe” là web drama Việt Nam đầu tiên ra mắt sau đợt dịch Covid-19 căng thẳng tại Việt Nam. Jang Mi hi vọng bộ phim là món quà ý nghĩa giúp khán giả thư giãn sau quãng thời gian dài chống chọi với đại dịch”.
Được biết, “Công chúa bến xe” đã được quay và thực hiện xong trước giãn cách xã hội. Ban đầu, phim dự định lên sóng vào tháng 8.2021. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cô cùng ê kíp đành phải lùi lại lịch ra mắt cho đến tháng 10/2021 và phục vụ người xem hậu đợt bùng dịch thứ 4 của Covid-19 tại Việt Nam.
“Công chúa bến xe” của Jang Mi là một trong những web drama Việt Nam đầu tiên phát sóng sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách
Hoài Tâm cũng bộc bạch về “Trừ yêu đại sư huynh”: “Trong mùa dịch khó khăn, hầu như các bộ môn nghệ thuật sân khấu và phim ảnh bị đóng băng. Là một nghệ sĩ mình cũng đau lòng lắm. Chính vì thế nên tôi ráng làm được gì thì cố gắng làm để tự giúp mình cũng như để cho không khí nghệ thuật khởi sắc hơn sau những ngày nghỉ dịch”.
“Trừ yêu đại sư huynh” của Hoài Tâm mất gần 7 tháng kể cả quay hình và hậu kỳ nên bộ phim tốn rất nhiều chi phí
Đa dạng về thể loại, chất lượng ngày càng cao
Web drama Việt Nam ra mắt dồn dập mùa dịch và may mắn là số lượng tỷ lệ thuận với chất lượng phim. Hầu hết tác phẩm đều thuộc thể loại hài hước, nhưng đều có ý nghĩa sâu xa và truyền tải nhiều bài học thực tế trong cuộc sống.
Tiến Luật nói: “Sau những ngày giãn cách xã hội, cuộc sống dần quay trở lại bình thường, tuy nhiên vẫn rất cần thực hiện đầy đủ 5K để giữ an toàn cho cả cộng đồng. Tiến Luật và ekip “Gia đình bá đạo” quyết định đưa nội dung về Covid-19 vào tập 1 của bộ phim rồi truyền tải bằng thông điệp vui vẻ để mọi người cùng nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Trong quá trình thực hiện dự án này, ekip sản xuất luôn tuân thủ quy định 5K cũng như thực hiện việc tiêm vaccine đầy đủ 2 mũi cho tất cả những người có mặt tại nơi làm việc”.”“Gia đình bá đạo” là nơi để gửi gắm thông điệp về tình yêu thương xen lẫn với việc mang đến tiếng cười sảng khoái”, Tiến Luật cho biết thêm.
“Gia đình bá đạo” của Tiến Luật lồng ghép nhiều tình huống về mùa dịch Covid-19
Tương tự “Gia đình bá đạo”, “Trời ơi! Tức muốn chết” của Hồng Vân cũng thu hút người xem bởi các tình huống đời thường hay gặp. Thông qua web drama lần này, Hồng Vân muốn truyền tải thông điệp, ai cũng có một nơi để quay về, đó là quê hương, gốc gác, cội nguồn của mình.
Còn về Nam Thư với phim “Dịch vụ zụ zịt”, cô thể hiện tình huống về đời sống của một cô gái xinh đẹp và độc lập tài chính nhưng luôn chịu sức ép bởi chuyện “lập gia đình”. Từ đó, Nam Thư nêu lên thực trạng vấn đề “chồng con” luôn trở thành nỗi lo sợ của những người phụ nữ hiện đại. Nam Thư cho biết cô lồng ghép câu chuyện này với muốn mang đến một góc nhìn thực tế cho người xem. Trong khi đó, câu chuyện đánh ghen được nữ diễn viên khéo léo đưa vào một cách hài hước, vui nhộn song đó cũng là thực trạng hiện nay.
“Dịch vụ zụ zịt” của Nam Thư quy tụ nhiều sao Việt đình đám
Bên cạnh nội dung, có thể thấy Nam Thư đầu tư rất kỹ cho phần hình ảnh với tính chất “sang-xịn-đẹp”. Nam Thư cho thấy sự chăm chút của mình, điển hình là ở nhân vật cô tham gia. Chia sẻ thêm về “Dịch vụ zụ zịt”, Nam Thư cho biết: “Với tôi, khi đã làm bất kỳ một dự án nào cũng sẽ cố gắng hết mình mà không câu nệ chuyện dễ hay khó. Đối với tôi, phụ nữ đẹp thôi là chưa đủ, mà cần phải bản lĩnh, điều đó mới thay đổi cái nhìn về phái đẹp trong xã hội hiện nay”.
Nam Thư gây choáng với sự đầu tư chỉn chu từ kịch bản đến hình ảnh, trang phục trong phim
Qua nhiều web drama nổi tiếng, Nam Thư dần chiếm lòng tin khán giả
Trong khi đó, Jang Mi chuẩn bị kỹ lưỡng cho “Công chúa bến xe” từ kỹ năng diễn xuất đến các cảnh tập võ thuật. Cô xem đây là tác phẩm đánh dấu sự đổi mới chính mình và cũng không ngại làm xấu mình trên màn ảnh để đem đến hiệu ứng tốt nhất cho bộ phim. Ngoài ra, “Gia đình cục súc” của Võ Tấn Phát, “Trừ yêu đại sư huynh” của Hoài Tâm và cũng đều đem lại nhiều tiếng cười thú vị cho khán giả, không hề có hài nhảm hay tình huống quá lố. Tất cả đều được ra đời với một kịch bản tốt và mảng miếng hài duyên dáng.
Jang Mi luyện tập cực khổ cho phim “Công chúa bến xe”
Nhìn chung, xu hướng 2 tháng cuối năm 2021 là sự lên ngôi của web drama Việt Nam, chủ yếu là hài hước và đời thường gần gũi. Các câu chuyện về hậu đại dịch Covid-19 hay các mối quan hệ gia đình được đề cao, tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả.
Theo Tạ Doãn/DDVN