Văn hóa

Chuyện bất ngờ về bà chủ nức tiếng phố cá lóc nướng ở TP.HCM

Cúc Bụi là một trong những quán đầu tiên cũng như nổi tiếng bậc nhất ‘phố cá lóc nướng’ đường Tân Kỳ Tân Quý có thâm niên hơn 20 năm. Nghe danh quán đã lâu, cũng tới mua nhiều lần nhưng không ít khách thắc mắc không biết Cúc Bụi là ai vì không biết mặt chủ quán?

Câu chuyện đằng sau cái tên Cúc Bụi cũng như việc khách tới mua ít khi nhìn thấy bà chủ, được chính chủ “bật mí” với chúng tôi trong những lần xuất hiện hiếm hoi trong năm ở quán dịp vía Thần Tài (mùng 10 tết) năm nay.

Nghe danh, nhưng ít khi thấy mặt

Dịp vía Thần Tài năm nay, bà Cúc Bụi (tên thật là Nguyễn Thị Cúc, 62 tuổi) có mặt ở quán, điều phối hơn 30 người tất bật nướng gần 4.000 con cá lóc ở nhiều điểm bán khác nhau trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú) phục vụ cho khách.

Bà Cúc Bụi ít khi xuất hiện ở quán vì thường đi du lịch cùng người thân, bạn bè (Ảnh: Cao An Biên)

Chị Thanh Thanh (29 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) ghé quán bà Cúc Bụi mua một con cá lóc, nhưng không phải là để cúng mà chỉ để ăn tối trong nhà. Vị khách cho biết gia đình mình thích ăn cá lóc nướng, nhà gần “phố cá lóc nướng” nên mỗi khi thèm, chị vẫn ra đây mua ăn.

“Tôi mua chỗ quán Cúc Bụi này cũng 4 năm nay rồi. Hồi đó một lần coi trên mạng, tới mua ăn thử thấy ngon quá nên thường mua cá lóc nướng là tôi ghé đây. Quán này cũng có thâm niên trên đường này nên mình cũng tin tưởng, với lại tôi thích nước chấm ở đây, đậm đà, ăn hợp vị”, chị tâm sự.

Tương tự như nhiều vị khách khác, chị Thanh biết tới tên quán là Cúc Bụi, cũng biết đó là tên bà chủ, nhưng đó giờ đến mua, chị không biết bà chủ là ai bởi ai cũng đeo khẩu trang kín mít để nướng cá. Nhiều lúc tò mò, hỏi bà chủ, thì chị chỉ nghe nhân viên trả lời: “Chủ không có ở quán, đi du lịch rồi!”.

Cứ như vậy suốt ngần ấy năm mua cá lóc nướng ở đây, chị vẫn không nhìn thấy mặt chủ. “Mặc dù cũng có thắc mắc tí, nhưng chuyện đó cũng không quan trọng lắm, quan trọng là đồ ăn ngon, giá cả hợp lý là được. Nhưng tôi thì cũng muốn biết bà chủ là ai”, chị cười, nói thêm.

Dịp vía Thần Tài năm nay, quán bà Cúc nướng gần 4.000 con cá lóc (Ảnh: Cao An Biên)

Cười nói với chúng tôi, bà Cúc cho biết 7 năm trước, bà để lại quán cá lóc nướng cho con gái lớn để “nghỉ hưu”. Cũng từ đó, bà ít xuất hiện ở quán, trừ một vài dịp đặc biệt ra phụ con cháu trong nhà, như dịp vía Thần Tài này.

Bà kể vợ chồng bà có 3 người con, đều đã khôn lớn, trưởng thành. Cả đời lăn lộn mưu sinh vất vả, ở tuổi này, bà hạnh phúc vì được con cháu phụng dưỡng, có sở thích được đi du lịch khắp nơi. Chính vì sở thích này mà bà chủ ít khi xuất hiện ở quán, khách cũng nghe danh mà không thấy mặt cũng vì lẽ đó.

“7 năm nay, từ hồi để lại quán cho con, tôi đi du lịch, tính tới giờ chắc cũng gần hết 63 tỉnh thành Việt Nam rồi, mỗi lần đi là đi cả tháng mới về. Có khi ra Bắc về quê tôi, có khi ra Huế quê chồng tôi. Nước ngoài thì tôi đi cũng 10 nước. Dự định năm nay còn đi nữa”, bà cười.

Bà chủ nói gì về chuyện sát sinh?

Ít ai biết, trước khi bén duyên với nghề bán cá lóc nướng, bà chủ có nhiều năm bán gà mưu sinh, nuôi con. Sau những đợt dịch cúm gia cầm đầu năm 2000, bà chủ bỏ nghề, chọn nghề bán cá lóc nướng này vì thấy… lạ, ít người bán.

Bà cho biết mình là một trong những người đầu tiên bán cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ Tân Quý này (Ảnh: Cao An Biên)

Bà Cúc Bụi tâm sự hồi đầu, con đường này chưa nổi tiếng với món cá lóc nướng như bây giờ. Những ngày đầu bán, có ngày, bà chủ chỉ bán được 2 con. May mắn dần dà, nhiều người bắt đầu chuộng món ăn này, nhiều người cũng mở bán món ăn trên đường Tân Kỳ Tân Quý này rồi trở thành “phố cá lóc nướng” nổi tiếng ở TP.HCM lúc nào không hay.

“Sở dĩ tôi đặt tên là Cúc Bụi vì đây là biệt danh khách đặt cho tôi đó. Hồi mới bán, tôi dời chỗ này, chỗ kia bán, cũng trên đường này thôi nhưng khách phải đi tìm. Khách gọi vui tôi là bà Cúc Bụi vì hay chuyển chỗ này chỗ kia”, bà nói về biệt danh của mình, và cũng là nguồn gốc tên quán.

Hơn 20 năm “lăn lộn” với nghề bán cá lóc nướng, bà chủ không ít lần nghe những “lời ra tiếng vào” về việc sát sinh hàng ngàn con cá lóc mỗi dịp vía Thần Tài. Nhưng bà cũng trần tình rằng, đó là công việc, là chén cơm mưu sinh của gia đình mình.

Dịp cao điểm, con cháu, người thân trong nhà ra phụ nướng hàng tấn cá (Ảnh: Cao An Biên)

Theo bà, có cầu thì sẽ có cung, việc giết cá lóc cũng là việc bình thường để đáp ứng cho nhu cầu của con người. Thêm nữa, cá lóc cũng là loài bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe nên còn được khách mua hằng ngày chứ không phải chỉ để cúng.

Chị Tuyết Mai (42 tuổi) là con gái bà Cúc Bụi và cũng là thế hệ thứ 2 trong gia đình phát triển quán cá lóc nướng. Chị tự hào khi được nối tiếp mẹ làm công việc mình thích, mang những phần cá lóc nướng tâm huyết, đặc biệt với bí quyết làm nước chấm riêng đến với khách.

“7 năm trước, mẹ nghỉ bán, mình kế thừa, cứ vậy cùng chồng và người thân trong nhà bán cho tới nay luôn. Giờ mình thay mẹ lo trong ngoài, mong mẹ an hưởng ở tuổi này, lâu lâu ra chơi với con cháu là vui”, cô con gái bày tỏ.

Theo Cao An Biên/Thanhnien.vn