Vì dịch Covid-19, điện ảnh Việt Nam nửa đầu năm nay hoạt động ở mức cầm chừng trong vòng 3 – 4 tháng và chỉ bùng nổ vào dịp hậu Tết Nguyên đán 2021. Dù vậy, khán giả cũng chứng kiến nhiều điều bất ngờ và các kỷ lục ‘vô tiền khoáng hậu’ của những tác phẩm màn ảnh rộng Việt Nam phát hành trong 6 tháng qua.
Những cú ‘ngã ngựa’ ngoài dự đoán
Điện ảnh Việt 2021 mở màn khá chậm chạp bằng bộ tứ “Võ sinh đại chiến”, “Cậu Vàng”, ““Em” là của em” và “Sám hối”. “Võ sinh đại chiến” đến với khán giả vào ngay ngày đầu năm mới lại chịu sự ghẻ lạnh đáng tiếc. Bộ phim chỉ trụ được 1 tuần ở rạp, xin rút về vì quá ế người xem. Con số doanh thu 1 tỉ đồng không chỉ khiến nhà sản xuất, đoàn làm phim “Võ sinh đại chiến” cực kỳ thất vọng mà còn làm khán giả “giật mình” vì quá thấp.
Sau đó, “Cậu Vàng” và ““Em” là của em” đối đầu trực tiếp vào ngày 8/1. Kết quả, cả hai đều không thu về thành tích như kỳ vọng. “Cậu Vàng” (lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học của Nam Cao) nhanh chóng được xếp vào danh sách phim chuyển thể tệ nhất, thảm họa của điện ảnh Việt Nam trong năm 2021 khi mới ra mắt. “Cậu Vàng” thu về hơn 3,6 tỉ đồng dù đầu tư đến 25 tỉ đồng. Đứa con tinh thần của đạo diễn Trần Vũ Thùy nhận hàng loạt chỉ trích về nội dung, tình tiết, bối cảnh, diễn xuất… rồi nối gót “Võ sinh đại chiến” “về vườn” sớm sau 2 tuần có suất chiếu thưa thớt ngoài rạp.
Việc để một chú chó gốc Nhật đóng vai chính trong bộ phim nông thôn Việt đã khiến “Cậu Vàng” bị ghét bỏ
““Em” là của em” may mắn hơn “Cậu Vàng”. Dù không phải bị “chết chìm” trong tiếng chửi rủa như “Cậu Vàng”, nhưng ““Em” là của em” cũng chịu nhiều ý kiến tiêu cực vì cốt truyện “nam giả nữ” lỗi thời, thiếu lo-gic và phi lý. Bộ phim quy tụ dàn sao Việt đình đám Ngô Kiến Huy, Maya, Hứa Vĩ Văn, Hoàng Phi, Khả Như… và “cá kiếm” được 14,3 tỉ đồng trong khi kinh phí tới 17 tỉ đồng.
Giữa tháng 1.2021, “Sám hối” đến với khán giả và tiếp tục kéo dài chuỗi thành tích phim Việt thất bại thảm hại. “Sám hối” đầu tư 50 tỉ đồng và chỉ mang về vỏn vẹn…chưa đến 1 tỉ đồng sau 15 ngày chiếu. Một bộ phim được kỳ vọng nhiều nhưng cũng rơi vào danh sách “Phim doanh thu 1 tỉ đồng” là “Kiều @” của đạo diễn Võ Thành An. Phim dựa trên nguyên tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, song lại bị miêu tả là “lố bịch ngoài sức tưởng tượng” lúc ra mắt vào tháng 3.2021.
Tháng năm nay cũng chứng kiến sự đổ bộ của hai dự án khủng là “Bố già” và “Gái già lắm chiêu V – Những cuộc đời vương giả”. Khoan nói về cơn sốt lớn của “Bố già”, thì sự thất bại ngoài dự đoán của “Gái già lắm chiêu V” cho thấy không phải phần phim tiếp theo nào của một sê-ri đình đám cũng thành công. Đối đầu trực tiếp “Bố già”, “Gái già lắm chiêu V” thấy rõ sự hụt hơi và chỉ “cá kiếm” hơn 55 tỉ đồng, gần 1/8 doanh thu “Bố già”. “Gái già lắm chiêu V” vẫn có lời (vì đầu tư cỡ 46 tỉ đồng), song bộ phim vẫn được xem là sự thụt lùi của sê-ri “Gái già lắm chiêu” và là màn thất bại bất ngờ nhất trong nửa đầu năm nay.
“Gái già lắm chiêu V” sớm lên nền tảng Netflix sau khi không thành công như mong đợi ở rạp
““Em” là của em” (ảnh trái) chịu lỗ dù có dàn diễn viên nổi tiếng. Trong khi đó, “Võ sinh đại chiến” lại gây xôn xao khi nhà sản xuất và phía phát hành mâu thuẫn
Sang tháng 4.2021, khán giả Việt Nam ngay lập tức bị “dội gáo nước lạnh” bởi “Song song”. Bộ phim mang đầy đủ yếu tố để “flop”: kịch bản remake Mirage (Ảo ảnh) bê nguyên từng chi tiết bản gốc và diễn xuất nhạt nhòa của dàn diễn viên chính. Điện ảnh Việt Nam tiếp tục làm khán giả mất niềm tin với “Truyện Kiều” của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Mai Thu Huyền. Sau 18 ngày ra rạp, “Truyện Kiều” lỗ hơn 27 tỉ đồng (doanh thu 2,7 tỉ đồng – đầu tư hơn 30 tỉ đồng). Nội dung “Truyện Kiều” cũng khiến khán giả “sang chấn tâm lý” vì tình tiết “quá nhanh quá nguy hiểm”, cảnh nóng ngập tràn và dựng phim yếu.
“Song song” (trái) và “Truyện Kiều” thất bại thảm hại khi phát hành vào tháng 4 năm nay
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy các phim lấy cảm hứng từ văn học “ngã ngựa” một cách thảm hại. Điều này khiến dư luận và người xem hình thành một “bóng ma tâm lý” đối với dòng phim điện ảnh chuyển thể Việt Nam.
Hàng loạt kỷ lục bị phá vỡ
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2021 cũng là quãng thời gian chứng kiến sự tăng trưởng vượt bật của điện ảnh Việt Nam khi xuất hiện tác phẩm màn ảnh rộng có doanh thu cao nhất mọi thời đại – “Bố già” với khoảng 400 tỉ đồng (tại thị trường Việt Nam và quốc tế). Lỡ hẹn với khán giả dịp Tết Nguyên đán 2021, tưởng chừng như “Bố già” đã mất cơ hội vàng để “gom tiền” thì sản phẩm của Trấn Thành lại đạt thành tích khủng ngoài mong đợi. Cốt truyện gia đình gần gũi, bối cảnh quen thuộc, diễn xuất đồng đều và ăn ý của dàn sao và chiêu thức PR hiệu quả đã làm nên Bộ phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất lịch sử.
Vượt khỏi biên giới Việt Nam, “Bố già” xuất ngoại đến Mỹ, Singapore, Malaysia… và đều nhận được phản hồi khả quan. Sự phổ biến và doanh thu của “Bố già” trở thành nguồn động lực to lớn cho điện ảnh Việt Nam giữa mùa dịch Covid-19. Đồng thời, điều này cho thấy khán giả Việt Nam cũng rất sẵn lòng ủng hộ điện ảnh nước nhà nếu tác phẩm đó thật sự chất lượng.
Ê-kíp Trấn Thành (trái) và Lý Hải là những người đứng đầu hai bộ phim điện ảnh Việt Nam thắng lớn ở nửa đầu năm 2021
Sau “Bố già”, “Lật mặt: 48h” (hay còn gọi “Lật mặt 5”) tiếp tục làm khuynh đảo phòng vé khi ra mắt vào giữa tháng 4.2021 sau 2 lần dời lịch vì dịch Covid-19. Theo thống kê từ đơn vị phát hành Lật mặt: 48h, doanh thu mở màn ngày thứ 6 đầu tiên của bộ phim đã đạt con số cao ngất ngưởng trong lịch sử sê-ri Lật mặt. Sau hơn 2 tuần “tung hoàng”, Lật mặt: 48h đã đại thắng với hơn 156 tỉ đồng, giúp Lý Hải trở thành đạo diễn có hai phim vào “câu lạc bộ 100 tỉ” của làng điện ảnh Việt Nam.
Tương tự “Bố già”, “Lật mặt 5” cũng tiến ra thị trường nước ngoài. Phần 5 của “Lật mặt” đương nhiên vẫn lộ nhiều sai sót, nhưng việc bộ phim được lòng người xem trong nước rồi tiến ra “biển lớn” cũng là một dấu hiệu rất đáng khen. Sê-ri “Lật mặt” từ đó đã có chỗ đứng riêng tại làng điện ảnh và tràn trề hi vọng có thêm các phần phim tiếp theo ấn tượng.
“Bố già” khắc họa câu chuyện gia đình gần gũi với khán giả Việt Nam
“Lật mặt 5” ấn tượng với sự đầu tư trong bối cảnh hoành tráng và những phân đoạn hành động mãn nhãn
Có thể nói, cả “Bố già” và “Lật mặt 5” đều thật sự thắng trong cuộc chiến phòng vé nửa đầu năm nay. Thắng về mặt doanh thu, thắng về mặt cảm tình công chúng, thắng được lòng truyền thông… và góp phần thúc đẩy làng điện ảnh Việt Nam.
Các lời hẹn sau mùa dịch
Nửa đầu năm 2021 có hàng loạt nốt trầm buồn thất bại, các dấu hiệu đáng mừng và những lời hứa hẹn lưng chừng. Khởi chiếu vào dịp lễ 30/4 – 1/5, “Trạng Tí” và “Thiên thần hộ mệnh” chỉ kịp chinh chiến được 4 – 5 ngày rồi đành “xếp kho” do dịch bệnh. Cả hai đều tuyên bố sẽ sớm trở lại phục vụ khán giả sau khi dịch bệnh kiểm soát hoàn toàn.
“Trạng Tí” thêm nhiều chi tiết không được lòng người xem
“Thiên thần hộ mệnh” “cá kiếm” được cỡ 35 tỉ đồng trước khi nghỉ chiếu, còn “Trạng Tí phiêu lưu ký” chỉ “gom” được xấp xỉ 17 tỉ đồng qua bốn ngày người dân nghỉ lễ. Đây là con số không mấy khả quan đối với một tác phẩm được đầu tư đến 43 tỉ đồng như “Trạng Tí phiêu lưu ký”. Đó là chưa kể đến những tổn thất mà ê-kíp của Ngô Thanh Vân phải chịu sau hai lần trước đã dời lịch vì dịch Covid-19. Do đó, dân mạng cảm thấy tiếc cho trường hợp của “Trạng Tí phiêu lưu ký” cũng như nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khi không ngừng gặp trắc trở từ lúc quay cho đến khi công chiếu.
“Thiên thần hộ mệnh” được xem là bước lùi của đạo diễn Victor Vũ
Xét về mặt nội dung, “Trạng Tí” và “Thiên thần hộ mệnh” đều lộ nhiều “sạn”. Riêng “Trạng Tí phiêu lưu ký” chịu sức ép lớn vì vô số lùm xùm từ nguyên tác “Thần đồng đất Việt”, phát ngôn đạo diễn Phạn Gia Nhật Linh… đến tình tiết phi lo-gic, “thần thánh hóa” một số phân đoạn một cách khó chấp nhận. Trên một số diễn đàn, “Trạng Tí phiêu lưu ký” còn bị gọi là “Cậu Vàng” phiên bản 2 hay thậm chí là Phim điện ảnh chuyển thể dở nhất Việt Nam. “Gạch đá đủ để xây nhà” là câu dùng để miêu tả cho tình thế bi thương của “Trạng Tí phiêu lưu ký” cả trước và khi đang chiếu.
Mặc cho không may dừng chiếu sớm vì dịch Covid-19, nhưng “Trạng Tí” và “Thiên thần hộ mệnh” đều nhiều khả năng sẽ “trở lại và lợi hại” hơn xưa khi dịch kết thúc, trong điều kiện rạp thiếu phim để chiếu. Trước mắt, “Thiên thần hộ mệnh” sẽ tái xuất vào ngày 5/11 tới. Ngoài ra, hậu Covid-19, loạt phim Việt Nam như “Bóng đè” và “Rừng thế mạng” cũng tuyên bố sẽ “lên sàn” vào tháng 11, 12 năm nay. Nhờ đó, 2 tháng cuối năm 2021 trở thành cuộc “chạy đua” thú vị giữa loạt phim Việt với các bom tấn quốc tế.
Theo Tạ Doãn/DDVN