Giải trí Phim ảnh

‘Linh Miêu – Quỷ Nhập Tràng’ hé lộ phân cảnh ‘trọng nam khinh nữ’ cay nghiệt

Tiếp tục chiều sự tò mò của khán giả, ê-kíp ‘Linh Miêu – Quỷ Nhập Tràng’ hé lộ phân cảnh đang nhận nhiều sự đồng cảm và mang đến nhiều xúc động cho người xem. Bên cạnh những phân đoạn ma mị của các hiện tượng tâm linh và những tấn bi kịch diễn ra trong nhà Dương Phúc, hình ảnh Mỹ Kim ngồi ăn ở mâm dưới cũng để lại khoảnh khắc sâu sắc cho khán giả.

“Đây có lẽ lần hiếm hoi mà tôi xem một bộ phim linh dị nhưng lại bật khóc. Tôi không khóc vì sợ, tôi cảm thấy đồng cảm với những nỗi đau của phụ nữ trong nhà Dương Phúc. Có người vì muốn bảo vệ gia phong mà trở nên độc án, có người dồn nén những tủi thân mà dần dần đi sai con đường của mình, cũng có người ban đầu là người lương thiện nhưng dần dần bị chính những điều mình ghét nhất thách thức bản ngã lương thiện của mình. Cái cách “Linh Miêu – Quỷ Nhập Tràng” dẫn dắt vào những cài cắm khiến tôi cảm thấy bất ngờ khi nhận ra ẩn ý về sự hà khắc của quan điểm trọng nam khinh nữ” – một khán giả xúc động bày tỏ.

Và một trong những phân cảnh khắc họa rõ nét nhất sự hà khắc đó chính là hình ảnh Mỹ Kim (Thiên An) phải ngồi ăn ở mâm dưới, trong khi những người đàn ông trong nhà như Vĩnh Thái (Văn Anh), Vĩnh Trọng (Samuel An), Gia Cường (bé Bảo Duy) cùng người chủ trong nhà – Mệ Bích (Hồng Đào) ngồi ở mâm trên.

Phân cảnh khiến nhiều khán giả bức xúc của “Linh Miêu – Quỷ Nhập Tràng” cuối cùng cũng được hé lộ.

Theo đó, phân cảnh vừa được nhà sản xuất hé lộ, Mỹ Kim không chỉ ngồi mâm dưới, cô còn phải ăn lại những đồ ăn thừa của mâm trên – món mà những người đàn ông đã thưởng thức chán chê. Biểu cảm nhịn nhục của Mỹ Kim khi dùng lại đồ thừa mà cậu cả Vĩnh Trọng dùng xong càng làm người xem gợn lên những suy nghĩ, đau đáu cho thân phận người phụ nữ khi phải làm dâu trong một gia đình trọng lề thói phong kiến. Thêm vào đó, biểu cảm dửng dưng của Mệ Bích – một người phụ nữ cũng làm cho khán giả tin tưởng chính bà cũng từng trải qua hoàn cảnh như Mỹ Kim, cũng phải chịu ngồi mâm dưới và hầu những người đàn ông. Thế nhưng, thay vì mạnh mẽ thay đổi, bà lại chọn duy trì nề nếp phong kiến đó cho đời con của mình. 

Hình ảnh mâm trên mâm dưới là một ngôn ngữ mạnh mẽ khi đề cập về sự phân biệt nam nữ trong gia đình. Theo đó, mâm trên đụng đũa thì mâm dưới mới được ăn theo. Bởi người ta tin rằng đàn bà mang thân phận thấp hèn, không được can dự vào chuyện của đàn ông mà chỉ cần phục tùng, nghe lời. Mâm trên – mâm dưới là một ví dụ rất sinh động về vai trò của người phụ nữ trong thời xưa.