360 độ Giải trí Phim ảnh

Những lý do không thể bỏ lỡ siêu phẩm võ hiệp ‘Thiếu niên ca hành’

‘Thiếu niên ca hành’ chính thức cập bến màn ảnh Việt vào đầu tháng 1 với bản lồng tiếng. 

“Thiếu niên ca hành” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Châu Mộc Nam. Đây là hành trình trưởng thành của các thiếu niên trẻ tuổi, tài năng với xuất thân tính cách hoàn toàn khác biệt. Xoay quanh ba nhân vật là hoàng tử Tiêu Sắt (Tiêu Sở Hà), nhà sư Vô Tâm (tên khác Diệp An Thế) và chàng thiếu niên anh hùng Lôi Vô Kiệt.

Dàn mỹ nam hội tụ tại “Thiếu niên ca hành” 

“Thiếu niên ca hành” có sự góp mặt của 3 “nam thần” Lưu Học Nghĩa, Ngao Thụy Bằng và Lý Hoành Nghị, đây được xem là nhân tố hút khán giả của bộ phim. Trong đó, Lưu Học Nghĩa vào vai nhà sư Vô Tâm. Tài tử thể hiện được một người võ công cái thế, thông minh, bí ẩn. Nam diễn viên Ngao Thụy Bằng đóng vai Lôi Vô Kiệt ngốc nghếch nhưng trượng nghĩa. Nhân vật Tiêu Sắt do diễn viên Lý Hoành Nghị thể hiện, anh ghi điểm nhờ phù hợp tạo hình cổ trang, khả năng tương tác tốt với bạn diễn.

Lưu Học Nghĩa sinh năm 1990, được khán giả biết đến qua vai diễn Hạo Thần trong Lưu Ly mỹ nhân sát, Mạc Linh Trạch trong “Khi bóng đêm gợn sóng”, Hoa Giải Thần trong “Đạo mộ bút ký 2” và Lạc Tử Thương trong Trường Phong Độ…

Ngao Thụy Bằng sinh năm 1995, sở hữu ngoại hình điển trai, nụ cười sáng nên bước chân vào giới giải trí với vai trò người mẫu. Anh tích lũy kinh nghiệm diễn xuất thông qua các vai phụ trong Quốc Tử Giám có một nữ đệ tử, Yêu nhau đi Thực Mộng Quân…

Lý Hoành Nghị sinh năm 1998. Được biết đến qua các phim Thanh xuân của ai không mơ hồ, Ác ma thiếu gia đừng hôn tôi, Đếm ngược thời gian để gặp em, Thiên lôi nhất bộ chi Xuân Hoa Thu Nguyệt…

Cảnh quay võ thuật đẹp mắt, chân thực 

Những cảnh võ thuật đẹp mắt cũng là điểm cộng của “Thiếu niên ca hành”, hầu hết cảnh võ thuật dựa trên sự kết hợp của kỹ xảo và động tác thật để đạt được hiệu quả cao nhất. Đặc biệt đoàn làm phim đã thiết kế 100 loại binh khí cho 84 nhân vật trong phim, đủ cho thấy sự nghiêm túc về mặt đầu tư.

Đạo diễn Doãn Đào tiết lộ: “Mỗi môn phái đều có đặc điểm riêng, chiêu thức của mỗi nhân vật đều được khai thác dựa theo tính cách nhân vật đó, khán giả sẽ cảm thấy rất thoải mái khi xem và tin rằng những chiêu thức võ thuật này là có thật. Nhưng khác với những bộ phim võ hiệp thiên về võ thuật, chúng tôi vừa giữ lại cảm giác mạnh mẽ trong cảnh võ thuật, mà cách thể hiện lại thanh thoát tao nhã hơn; trong phim nhân vật và kỹ xảo dung hòa, tạo nên phong cách thẩm mỹ riêng“.

Điều đáng nói, “Thiếu niên ca hành” không sử dụng kỹ thuật tân tiến, tổng giám chế hiệu ứng hình ảnh của bộ phim là Triệu Cương và Vương Lợi Minh cho biết: “Hiện tại, công nghệ kỹ xảo ở Trung Quốc đã có thể đáp ứng yêu cầu của đạo diễn, do đó trọng tâm của lần đổi mới này là về mặt thiết kế và ý tưởng. Cảnh võ thuật của bộ phim này thắng về mặt thẩm mỹ và sự khéo léo. Ấn tượng mà phim võ hiệp truyền thống mang đến cho khán giả thường là cũ kỹ và lỗi thời, nhưng đạo diễn yêu cầu chúng tôi tìm hiểu thêm về thẩm mỹ và sở thích của khán giả trẻ, cho nên hiệu ứng hình ảnh của “Thiếu niên ca hành” trẻ trung hơn, chúng tôi làm tiết tấu nhanh hơn, tươi trẻ hơn, màu sắc cũng táo bạo hơn“.

Phục trang đẹp mắt, đạo cụ và bối cảnh chỉn chu 

Đối với một bộ phim cổ trang võ hiệp, một trong những yếu tố để tạo nên thành công cho tác phẩm không thể nào bỏ qua tạo hình phục trang, đạo cụ và bối cảnh. “Thiếu niên ca hành” cũng đã làm khá tốt điểm này khi mỗi nhân vật được đầu tư trang phục đẹp mắt, chỉn chu tương ứng với thiết lập nhân vật được mô tả trong tiểu thuyết. Các “thiếu niên anh hùng” người cần khí chất vương giả có vương giả, người cần tiêu sái có tiêu sái, dù cầu kỳ hay đơn giản đều khiến người xem không khỏi xuýt xoa.